Bài 41: Chiên Hay Dê Trước Vị Mục Tử? | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Bài 41 :
CHIÊN HAY DÊ TRƯỚC VỊ MỤC TỬ ?
LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
Dựa trên Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa nhật 34 Thường Niên Năm A, tôi xin mạn phép được cùng anh chị em tìm hiểu chủ đề Ý nghĩa ẩn sau hình ảnh Chiên và Dê trong ngày lễ mừng Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ. Từ những ý nghĩa sẽ được khám phá này, hy vọng anh chị em và tôi, chúng ta sẽ có được những trải nghiệm ân phúc trong hành trình sống đời Ki-tô hữu của mình.
Sấm ngôn trong bài đọc một trích từ sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho chúng ta biết Đức Chúa ví mình như người mục tử chăm sóc đoàn chiên. Đặc biệt là trong khung cảnh của một ngày mây đen u ám bao phủ khiến đoàn chiên mất phương hướng. Không dừng lại ở cảnh tan tác hay lạc đàn, hiện trạng của những con chiên trong sấm ngôn còn được nhận biết rất rõ ràng, để từ đó, lời ngôn sứ còn cho biết những chỉ dẫn chăm sóc xứng hợp với từng hoàn cảnh khác nhau :
- Chiên bị mất : vị mục tử sẽ đi tìm.
- Chiên đi lạc : vị mục tử sẽ đưa về.
- Chiên bị thương : vị mục tử sẽ băng bó.
- Chiên bệnh tật : vị mục tử sẽ chữa lành.
- Chiên béo mập và khoẻ mạnh : vị mục tử sẽ canh chừng.
Liệt kê như vậy, nhưng có một nguyên tắc chung được vị mục tử áp dụng cho toàn thể đoàn chiên của mình : “Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” Rất rõ ràng, tuy nhiên, đấy là về phía vị mục tử. Còn về phía những con chiên, chúng ta có thể nêu lên nhiều thắc mắc : chiên ở đây là ai ? Giữa những con chiên có gì khác nhau để sấm ngôn trong sách Ê-dê-ki-en lại có câu : “Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, -Đức Chúa là Chúa Thượng phán-, này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.”
Lời Chúa trong Thánh vịnh Đáp ca hôm nay không trả lời cho chúng ta biết, đâu là cách thức để phân biệt giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê. Tuy vậy, Thánh vịnh 22 lại cho chúng ta một đáp án chính xác về tâm tình phải có của những ai được vị mục tử chăm lo, giữ gìn. Nói cách khác, dù ta là chiên, là cừu hay biết đâu cũng có thể là dê đi nữa, thì cảm nghiệm được Chúa chăm lo trên đồng xanh tươi tốt, bên dòng suối trong lành, trong khung cảnh yên bình, an toàn và no ấm… là điều không thể chối bỏ. Hơn nữa, đây cũng là cảm nghiệm thực tiễn giúp chúng ta hiểu rõ hơn bổn phận phải làm trước khi đứng trong khung cảnh của cuộc Phán xét chung mà Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Từ đây, chúng có thể từng bước phân biệt, định dạng các thái độ khác nhau và chọn lựa cung cách sống đúng mực của mình, đồng thời, cũng là để nhận ra rõ nét hơn hình ảnh đích thực của Vị Mục Tử tối cao là Đấng nào.
Thưa quý ông bà anh chị em,
Cho dẫu đã được tách biệt ra làm hai nhóm, người đứng bên phải, kẻ ở bên trái vị mục tử, thế nhưng cả chiên và dê trong bài Tin Mừng hôm nay cũng có thêm những điểm giống nhau.
Điểm giống nhau thứ nhất là ở chỗ họ có vẻ bất ngờ khi biết rằng Vị Mục Tử cũng chính là Con Người ngự trên ngai vinh hiển mà xét xử, đúng như lời sấm ngôn trong sách Ê-dê-ki-en !
Điểm thứ hai là cả chiên và dê đều không biết vị mục tử đã “đồng hoá” bản thân với người nghèo : với kẻ đói khát, với người khách lạ, với người không áo che thân, với người đau yếu, với người bị giam cầm. Nói một cách vắn tắt, vị mục tử vừa là thẩm phán, vừa là công tố viên và cũng là trạng sư đứng về phía những người cùng khốn ! Theo đó, rất có thể điều làm cho người thì đứng bên phải, kẻ thì ở bên trái hệ tại ở động lực khiến họ thực hiện những điều tốt lành cho người đói khát, bơ vơ, đau yếu và nghèo khổ. Nếu làm vì tự nguyện và với lương tâm trong sáng, họ sẽ được nhập đoàn với những con chiên. Ngược lại, nếu phải biết trước được mối lợi rồi mới cúi xuống phục vụ, thì người ấy sẽ bị liệt vào hàng ngũ bầy dê.
Ở một cấp độ khác, Đức Giê-su còn cho thấy sự khác biệt của chiên và dê ở điểm này, đó là cùng được chăm lo, nhưng chiên là những ai mang dáng vẻ giống như vị mục tử của mình như trong Bài đọc một qua việc chăm lo cho những con chiên khác trong đoàn, cách riêng là những đồng loại chịu cảnh thiệt thòi về cơm ăn, áo mặc, đau bệnh hay đang bị giam cầm … còn dê thì không.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ước mong tránh được “cực hình muôn kiếp” mà “hưởng sự sống muôn đời”. Thật ra, tất cả chúng ta đều thuộc quyền sở hữu của Vị Mục Tử Tối Cao, đều được chăn dắt, nâng niu, ấp ủ và đều phải phục tùng quyền xét xử chung cuộc của Người. Hình ảnh “con dê ở bên trái” trong bài Tin Mừng cũng có thể ít nhiều liên hệ với tình cảnh của những con chiên tản mác, đau bệnh nhất là về đàng tinh thần … Và ngược lại, biết đâu có những con dê lầm tưởng mình là chiên khoẻ mạnh nhưng trên thực tế lại không nhận biết mình đang được chăm sóc, và cũng không biết tiếp rước và cư xử nhân nghĩa với đồng loại của mình.
Cho nên, chúng ta thấy việc phân biệt rạch ròi giữa chiên và dê trong toàn bộ khung cảnh Phụng Vụ Lời Chúa lễ Chúa Ki-tô Vua không phải chỉ để tìm cách dừng lại ở định nghĩa thế nào là chiên và thế nào là dê, mà là để làm sáng tỏ dung mạo Vị Mục Tử Tối Cao của chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ. Thật vậy, Bài đọc hai trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô sẽ giúp chúng ta tập trung vào chủ điểm này.
Nếu việc hướng lên vị mục tử để biết chăm lo cho anh chị em của mình là những thực hành cụ thể trong sống ơn gọi Ki-tô hữu, thì từ phía Thiên Chúa, chính Đức Ki-tô đã hạ mình trong tình liên đới mật thiết với con người bằng nỗi khốn cùng nhất là cái chết. Đấy cũng là cách mà Đức Ki-tô nắm giữ vương quyền và quy phục mọi thù địch, kể cả cái chết, về cho Thiên Chúa. Hình ảnh vinh thắng cuối cùng tập trung vào Bữa Tiệc Chiên Thiên Chúa như hành vi tôn vinh trong Phụng Vụ Thánh Thể : “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự Tiệc Chiên Thiên Chúa.”
Trong Cựu Ước, chiên và dê đều thuộc số những con vật được dùng làm tế phẩm dâng cho Thiên Chúa, để thết đãi nhau hay dùng vào những việc thiết thực khác. Trong Tân Ước, hình ảnh con chiên con dê còn mang những hình ảnh biểu tượng khác nữa. Ngoài hình dung được phân biệt có lẽ dựa trên mặt thẩm mỹ và phong tục, chiên và dê cũng được dùng như thể những nhóm nhân vật trong thể loại dụ ngôn như câu chuyện Đức Giê-su kể cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Xuyên qua hình ảnh những con chiên con dê và nhìn rộng ra, chúng ta lại thấy toàn thể Phụng Vụ Lời Chúa nối kết chúng ta vào một cộng đoàn nhân loại, được Thiên Chúa là Vị Mục Tử Tối Cao nuôi dưỡng. Chúng ta cũng thấy mình đang là hoặc sẽ là công dân của một vương quốc có Đức Giê-su Ki-tô là Đấng nắm giữ vương quyền. Để rồi ai ai cũng có thể cùng Thánh vịnh gia thưa lên lời cảm tạ cùng quyết tâm sống liên đới với tha nhân :
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi,
Tôi chẳng thiếu thốn gì
Trong đồng cỏ xanh tươi,
Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.”
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc
ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.”
bài liên quan mới nhất
- Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 85: Thầy là Đấng Ki-tô | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa